Tìm hiểu về tháp qua mô hình tháp thờ trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử

bởi huy.nguyen
4.9/5 - (7 bình chọn)

Duới đây là các thông tin và kiến thức về Tháp thờ phật hot nhất được tổng hợp bởi chúng tôi

Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ những thế kỷ đầu công nguyên. Từ khi du nhập, Phật giáo đã có sự dung hợp kỳ diệu với các tôn giáo, tín ngưỡng bản địa của từng vùng tạo nên sắc thái văn hóa phong phú đa dạng mang đậm bản sắc dân tộc. Đến thời Lý, Phật giáo được coi là quốc giáo và là thời kỳ phát triển hưng thịnh nhất của Phật giáo Việt Nam, có rất nhiều ngôi chùa, tháp được xây dựng ở thời kỳ này. Tháp thời Lý – Trần được xây dựng với quy mô lớn, gắn liền với cảnh quan thiên nhiên, gắn với núi, sông và những cánh đồng mênh mông tạo thành phong cảnh hữu tình, hòa hợp giữa con người với trời đất. Ở thời Lý, tháp cũng chính là chùa, trong tháp thờ tượng Phật. Tháp thời Lý – Trần thường xây cao nhiều tầng, song trong các kinh của Phật giáo, số lượng tầng tháp cao hay thấp thường dựa trên mức độ tu hành như: tháp dành cho A La Hán từ 4 – 5 tầng, tháp dành cho Bích Chi Phật là từ 9 – 11 tầng, và tháp dành cho Phật là 13 tầng. Ở Việt Nam, việc quy định các tầng tháp Phật giáo không theo những ý nghĩa trên, tháp bao gồm: Tháp thờ Phật (thường cao 13 tầng) được xây dựng như công trình độc lập như tháp Phật Tích (Bắc Ninh), tháp Bình Sơn (Vĩnh Phúc), tháp Sùng Thiện Diên Linh (Hà Nam), tháp Chương Sơn (Nam Định)… hoặc trang trí trên gạch như: “Lý gia đệ tam đế Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo”, “Lý gia đệ tam đế Chương Thánh Gia Khánh niên tạo”…; mô hình tháp thờ có số tầng thấp hơn; sau này, một số tháp còn là nơi cất giữ xá lị của các nhà sư trụ trì. Tháp đã trở thành biểu tượng thiêng liêng nối trời với đất, gửi gắm ý niệm con người với Đức Phật.

Kiến trúc tháp thường có bình đồ hình vuông và được làm bằng chất liệu đất nung, với kỹ thuật lắp ghép từng mảng khối gạch nung sẵn vừa khít với nhau mà không cần vôi vữa. Mặt ngoài của gạch xây tháp đều trang trí hoa văn, tùy theo vị trí mỗi tầng mà thiết kế đồ án trang trí từng mặt tháp, tạo dáng từng viên gạch hoa văn hoàn chỉnh rồi mới đánh dấu gạch theo vị trí trước khi đem nung. Để cho những viên gạch có thể gắn kết với nhau theo một chiều cao dựng đứng như vậy, những người xây dựng tháp đã chế tác ra những viên gạch có mấu và có gờ để gắn kết những viên gạch lại với nhau đồng thời cũng gắn kết hài hòa trong tổng thể kến trúc tháp. Kỹ thuật xây tháp này thường thấy phổ biến trong kỹ thuật xây tháp của cư dân Champa.

Hoa văn trang trí trên tháp cũng rất tinh xảo với nhiều đề tài phong phú như: hình rồng, phượng, mây, sóng nước, lá đề, hoa sen, hoa cúc, nhạc công… mang đậm mỹ thuật cung đình, Phật giáo thời Lý.

Hiện nay, Bảo tàng Lịch sử quốc gia trưng bày một số tháp và những di vật thuộc kiến trúc tháp thời Lý như: tượng kim cương, tượng đầu người mình chim đánh trống, lá đề chạm rồng, đố cửa trang trí rồng… trong đó, mô hình tháp thuộc loại tháp thờ tiêu biểu của thời Lý (thế kỷ 11-13).

Cũng như cách thức xây dựng tháp nói chung, tháp này có bình đồ hình vuông và được dựng bằng kỹ thuật lắp ghép khá độc đáo.Tháp gồm 2 phần: bệ tháp và thân tháp. Trong lòng tháp là một khoảng rỗng nhỏ chạy suốt chân tháp lên đến ngọn. Bệ tháp trang trí hoa sen và dàn vũ công. Thân tháp cao 5 tầng (mất 1 tầng trên cùng), trang trí những đề tài phong phú như: hoa sen, hoa chanh, lá đề…. vừa gần gũi với cuộc sống của người dân vừa thể hiện khát vọng về cuộc sống tốt đẹp của con người.

Trên tháp, hoa sen được trang trí nổi bật dưới bệ tháp, dưới mỗi tầng tháp, với những lớp cánh sen to xen kẽ lớp cánh nhỏ mà mới nhìn cảm tưởng như tòa tháp được mọc lên từ một bông sen lớn. Sen là biểu tượng của sự cao quý, sự thuần khiết và gắn với Phật giáo. Theo Phật thoại, ngay từ thời đức Phật còn tại thế, hoa sen được tôn sưng là hoa của sự giác ngộ. Cho đến nay, rất nhiều quốc gia có đạo Phật đều tôn vinh hoa sen. Biểu tượng hoa sen ở phương Đông mang nhiều ý nghĩa khác nhau: Sinh thực khí nữ – Yoni; Sự no đầy – giàu có, và từ đó dẫn đến ý nghĩa phồn vinh; Mặt đất và sức sáng tạo – hoạt động đại tự nhiên phát, thần Mẹ, nơi dưỡng dục sinh mệnh; sông Nin – nước sinh mệnh; Tính linh thiêng – sự sinh đẻ siêu nhân, sự sáng tạo tự phát, con cháu miên tục; Sự sống vĩnh hằng và tái sinh – sự phù trợ sinh mệnh để làm sống lại, kẻ bảo trợ cho mặt trời ban mai tái hiện, chén mặt trời, đóa hoa bao bọc vong linh, nơi Phật tổ nghỉ ngơi; Sự thuần khiết và sự tinh túy – sự duy trì và phát triển Phật pháp, trí tuệ dẫn đến Niết Bàn…. Trong những ý nghĩa trên, hình ảnh hoa sen trang trí trên bệ tháp ở đây được hiểu là sự thuần khiết và tinh túy, dù sống trong bùn, mọc lên từ bùn, nhưng vẫn nở hoa rồi khoe hương khoe sắc, ngát tỏa hương thơm cùng khắp đất trời. Vì thế, trong đạo Phật hoa sen biểu trưng cho những giá trị đạo đức, sự duy trì và phát triển Phật pháp, trí tuệ dẫn đến niết bàn, phẩm tính của sen chính là phẩm tính của người tu hành, sen biểu thị cho sự thanh cao, trong sạch.

Mỗi tầng của tháp tượng trưng cho từng bước tu hành để lên cõi Niết Bàn của các phật tử. Ở mỗi tầng tháp đều có ô cửa hình vuông ở cả bốn mặt, trên mỗi ô cửa đều trang trí hoa văn lá đề và hoa chanh. Phần mái của mỗi tầng tháp làm bằng chất liệu gốm men, mái cong được tạo thành từ những ngói ống hình trụ in nổi bông hoa sen tạo cho tháp vẻ đẹp hài hòa, thanh thoát.

Đặc biệt, ở bốn mặt của chân tháp được trang trí dàn vũ công đang biểu diễn rất sinh động. Hình ảnh dàn vũ công được cách điệu hóa một cách khéo léo và tinh tế gợi lên một không khí nhộn nhịp, vui tươi với nét mặt hồn hậu, dáng điệu uyển chuyển trong điệu múa thể hiện cuộc sống viên mãn ở thế giới Tây phương cực lạc. Đề tài trang trí này thể hiện sự giao lưu, tiếp thu văn hóa của các nước phía Nam, đặc biệt là văn hóa Champa với điệu múa uốn nghiêng mình giống như kiểu múa Tribanga của Ấn Độ. Hình ảnh dàn vũ công như vậy còn được thấy ở bệ đá kê chân cột chùa Phật Tích (Bắc Ninh), lan can đá chùa Long Đọi Sơn (Hà Nam)… cho thấy đây là hình ảnh khá phổ biến phản ánh nghi lễ phật giáo long trọng cũng như nghệ thuật ca múa nhạc, âm nhạc phục vụ tôn giáo phát triển dưới thời Lý.

Đây là một trong những mô hình tháp thờ quý hiếm có niên đại khá sớm còn lại đến ngày nay và là nguồn tư liệu quan trọng không chỉ giúp nghiên cứu lịch sử, nghệ thuật, sự phát triển, đặc điểm Phật giáo thời Lý mà còn phản ánh sự tiếp thu, giao lưu văn hóa của người Việt, góp phần vào sự phát triển nền văn hóa, nghệ thuật dân tộc.

Mô hình tháp thờ thời Lý (thế kỷ 11-13), Hà Nội.

Ths. Nguyễn Thị Thu Hoan

CN. Phạm Thị Huyền

You may also like